Đây là part duy nhất được cho thời gian chuẩn bị trong 3 part, nhiều bạn khi gặp khó trong việc vạch ra ý tưởng dễ bị tâm lý lo lắng dẫn đến thể hiện không tốt, thậm chí là dưới sức mình. Cùng IELTS Pabda’s Station điểm qua hai lý do chính có thể khiến bạn ngắc ngứ trong phần này và chiến thuật để khắc phục ở dưới đây nhé!
1. Bạn bị hết ý để nói phần IELTS Speaking Part 2
Lấy ví dụ đề thi dưới đây:
Describe a movie you enjoy watching.
You should say:
What genre the movie was
When you saw the movie
What was the movie about
Explain why you enjoy watching the movie.
Lúc vạch ý bạn nghĩ là bạn đã có đủ ý cho cả 4 gợi ý nhưng lúc nói ra lại thấy chẳng mấy chốc đã đến ý thứ 4 rồi. Luyện nói nhiều chúng ta để ý một chút sẽ nhận ra:
- Cue 1 thường là câu hỏi “What” hoặc kiểu câu mà bạn thường chỉ có thể đưa ra một câu trả lời ngắn giới thiệu nhanh gọn thông tin cơ bản nhất của chủ đề đó. Bạn sẽ chỉ nói được nhiều lắm là 10 giây vì không có nhiều ý để phát triển thêm.
- Cue 2 và 3 thường hỏi thêm thông tin chi tiết hơn về chủ đề, những “fact” mà bạn có thể thuật lại, trong trường hợp trên bạn có thể nói ngay đã xem bộ phim khi nào và tóm tắt nội dung bộ phim.
- Cue 4 thường hỏi về cảm nhận, ý kiến của bạn về chủ đề đó, là cue yêu cầu bạn phải “động não” hơn một xíu.
Nhiều bạn nói nhanh giải quyết được 3 cue đầu rồi đến cue cuối cùng nhận ra vẫn còn nhiều thời gian mà trong đầu thì đã cạn ý tưởng. Đây là tình trạng mà các examiner gặp thường xuyên vậy nên đến lúc đó chỉ cần bắt được một tia bối rối, một giây ngập ngừng thôi là họ có thể biết ngay bạn đang lúng túng. Điều này có ảnh hưởng lớn đến điểm Fluency và Coherence của bạn.
2. Bạn bị mắc kẹt ở cue nào đó phần IELTS Speaking Part 2
Lại lấy ví dụ với đề trên, sau khi đọc đề bạn nghĩ ngay đến một bộ phim, nhưng rồi quên mất tiêu từ diễn tả thể loại của nó, hay là không nhớ rõ đã xem nó khi nào. Bạn cố gắng khởi động lại bộ nhớ để tìm cho ra cách diễn đạt đúng cho các cue này và điều này gây mất nhiều thời gian hơn cần thiết trong quỹ thời gian eo hẹp chỉ một phút mà bạn có để chuẩn bị.
Vì sao học viên IELTS hay rơi vào tình cảnh này? Có thể là bởi các bạn lo rằng nếu không nói đủ cả 4 ý thì sẽ mất điểm, hoặc sợ lạc đề. Nhưng trong tiêu chí chấm điểm không hề nói bạn phải trả lời tất cả các ý, mà các gợi ý thực chất là để giúp bạn thêm ý tưởng để triển khai. Khi học viên hiểu nhầm dụng ý của cue card thì vô tình tự tạo áp lực cho bản thân và ngược lại thậm chí giới hạn ý tưởng của chính bạn.
Nếu không phải bám vào các gợi ý thì examiner đánh giá cái gì trong IELTS Speaking Part 2? Họ đánh giá xem liệu bạn có thể nói trôi chảy, trình bày ý mạch lạc xuyên suốt trong 2 phút hay không, nói cách khác chính là Fluency & Coherence.
Bạn không nên cố ép bản thân nói cho bằng được 1 ý nào đó mà bạn không biết cách nói. Hay nhiều bạn để đối phó với tình trạng nói đến ý 4 rồi mà vẫn còn thừa nhiều thời gian lại cố nói sao cho thời gian dành cho mỗi ý ngang nhau thì những điều này là không nên bạn nhé.
Sau khi đã nắm rõ những điều trên và thay đổi cách nhìn nhận về cue card thì cùng tham khảo chiến thuật dưới đây để tự tin hơn khi vạch ý và trả lời nhé:
- Đọc các gợi ý và tập trung vào (những) gợi ý nào bạn cảm thấy có nhiều ý bạn biết cách triển khai nhất.
- Nếu gặp phải gợi ý gây trở ngại cho bạn, đừng ngại ngần mà bỏ qua để dành thời gian suy nghĩ cho những ý dễ hơn.
- Nghĩ rộng ra xem có những ý khác nào ngoài cue card liên quan đến chủ đề mà bạn cảm thấy có thể nói được.
Thử áp dụng vào đề ở trên nhé:
When you saw the movie: Nếu bạn không nhớ rõ bạn đã xem bộ phim kia khi nào thì hãy mạnh dạn bỏ qua ý này. Thay vào đó, ngoài “When” thì còn có “Where, Who, Why” đúng không nào? Một mẹo nhỏ ở đây là nhớ lại 5 Wh-questions thì tự nhiên bạn có thêm ý để nói là đã xem bộ phim ở đâu, cùng ai, tại sao lại xem rồi.
“Well honestly I don’t remember exactly when I saw it but I recall it was my boyfriend who kept showering me with how good people said this movie was so we decided one night to Netflix and chill and it was an amazing experience.”
What genre the movie was: Nếu đột nhiên từ “thriller” mà bạn muốn dùng để miêu tả bộ phim tự dưng trốn đi đâu mất làm bạn không thể tìm thấy trong trí nhớ của mình thì lời khuyên cũng như trên – cho nó đi bụi luôn (ít nhất là trong 3 phút bài thi Part 2 căng thẳng trước mắt).
Còn nếu bạn vẫn muốn nói về thể loại của bộ phim thì thử lươn lẹo cách khác xem sao, ví dụ như miêu tả cảm giác mà nó mang lại hoặc những cảnh trong phim có tính chất như nào:
“It’s the kind of movie that keeps you on the edge of your seat, with many intense and nerve-wracking scenes that captivate you.”
What was the movie about: Bạn tóm tắt nội dung chính của bộ phim
Explain why you enjoy watching the movie: Đây là phần nếu mà bạn rất tâm huyết với bộ phim là bạn sẽ nói được nhiều nè. Có thể vì nội dung phim rất ý nghĩa, hay do nam chính mlem quá, chemistry giữa các nhân vật đỉnh quá?
Nếu như bạn xác định được ngay từ lúc vạch ý đây là phần có tiềm năng nói nhiều được thì tại sao mất thời gian lo lắng mình nói chưa tròn các ý khác mà không dành thời gian đó để phát triển ý này?
Giả sử dưới gợi ý này còn một gợi ý nữa mà bạn vẫn đang trong mạch nói tốt ý hiện tại, chỉ cần không lạc đề, không lặp ý thì đừng vội chuyển ý để tự đặt bản thân vào thế khó mà cứ tiếp tục nói cho đến khi examiner bảo dừng nhé!
Tóm lại, lời khuyên chiến thuật tốt nhất cho IELTS Speaking Part 2 đó chính là linh hoạt để biết điểm mạnh của mình ở đâu và đánh trúng điểm đó. IELTS Panda’s Station chúc bạn áp dụng thành công!