Mục lục

5 PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP VÔ CÙNG HIỆU QUẢ ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG MINH BỞI KHOA HỌC

Việc tìm kiếm những phương pháp học tập hiệu quả là một yếu tố then chốt để đạt được thành công trong học tập. Nếu bạn đang tìm cách tối ưu hóa quy trình học của mình, hãy cùng khám phá 5 phương pháp học tập hiệu quả đã được chứng minh bởi khoa học. Những phương pháp này không chỉ giúp bạn cải thiện khả năng ghi nhớ và hiểu biết mà còn nâng cao hiệu suất học tập một cách rõ rệt.

5 PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP VÔ CÙNG HIỆU QUẢ ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG MINH BỞI KHOA HỌC

  • Phương pháp nhóm thông tin

Nếu bạn đã từng tham gia một lớp tâm lý học, bạn sẽ rất quen thuộc với khái niệm “nhóm thông tin” (chunking). Theo lý thuyết thì con người có xu hướng nhớ mọi thứ tốt hơn khi họ kết nối các thông tin liên quan lại với nhau hơn là nhồi nhét tất cả kiến thức vào đầu cùng một lúc.
Lý thuyết này dựa vào dung lượng ghi nhớ của não bộ và cách nó chuyển đổi các ký ức ngắn hạn sang ký ức dài hạn. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng con người có khả năng nhớ một chuỗi từ 5 đến 9 con số hoặc tên người. Điều đó có nghĩa là trung bình một người có thể nhớ lại được 7 đối tượng trong một danh sách chỉ trong vài giây.
Một học sinh có thể nhồi nhét tất cả thông tin cùng lúc nhưng thực tế chức năng ghi nhớ của họ không thể nhớ hết tất cả các kiến thức đó, do đó họ có xu hướng quên hầu hết những gì đã học. Một cách để thoát khỏi việc “rơi rụng” kiến thức là nhóm các thông tin lại với nhau. Một nghiên cứu chỉ ra rằng con người sẽ nhớ được nhiều đối tượng trong một danh sách hơn khi họ liên kết các đối tượng nhất định trong danh sách đó lại với nhau.
Vì vậy, nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh phải ghi nhớ một lượng thông tin khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn, hãy nhóm các thông tin lại với nhau dựa theo đặc điểm của chúng hoặc tìm ra điểm chung để kết nối các thông tin ấy với một câu chuyện nào đó.

  • Đừng trở thành nạn nhân của “đường cong quên lãng”

Bạn đã bao giờ từng nghe đến khái niệm “đường cong quên lãng” (Forgetting Curve)? Các cuộc nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng con người có thể nhớ lại thông tin của một bài giảng dài một tiếng đồng hồ khi họ ôn tập lại những gì đã học. Và cũng chẳng có gì đáng để ngạc nhiên nếu họ càng ôn tập kiến thức đó nhiều, họ càng nhớ nó lâu hơn.
Giống như “nhóm thông tin”, phương pháp này được xây dựng dựa trên chức năng ghi nhớ của não bộ. Con người có khả năng tiếp nhận một khối lượng thông tin đáng kinh ngạc trong một ngày và bởi không phải thông tin nào cũng quan trọng nên não bộ sẽ quyết định xem cái nào nên giữ lại và cái nào nên quên đi. Não bộ quyết định thứ tự ưu tiên bằng cách chú ý nhiều hơn đến những thông tin mà nó đã xử lý nhiều lần.
Bạn sẽ nhớ nhiều kiến thức hơn nếu ôn tập đều đặn hàng ngày thay vì cố gắng nhồi nhét kiến thức. Nếu bạn không có thời gian để ôn tập tất cả những gì đã được học ở trên lớp thì ít nhất hãy chắc chắn rằng mình đã ôn luyện một chủ đề vài lần trước khi kiểm tra.
Hãy đọc các tài liệu liên quan trước giờ học, ghi chú và sau đó xem lại tờ ghi chú vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tất nhiên sẽ rất hữu ích nếu bạn xem lại nó một lần nữa trước kỳ kiểm tra. Bạn sẽ không phải học lại tất cả kiến thức trước khi kiểm tra nếu ôn tập đều đặn. Điều này thực sự giúp bạn tiết kiệm được thời gian về lâu về dài.

  • Tập thể dục trước khi học

Tập thể dục có cả tác dụng ngắn hạn và dài hạn đối với nhận thức. Khi bạn tập thể dục, cơ thể bạn sẽ trải nghiệm một sự căng thẳng về thể chất cũng giống như khi bạn chiến đấu hay chạy trốn kẻ thù, từ đó, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Để phản hồi lại với tình huống như vậy, não sẽ được bơm nhiều máu giàu oxy và chất dinh dưỡng hơn để nghĩ ra cách mà nó cho là có thể cứu sống bạn.
Người ta đã chứng minh rằng tập thể dục có thể hình thành liên kết thần kinh hoặc tạo ra các tế bào não mới – một quá trình mà trước đây các nhà khoa học cho là không thể xảy ra.
Ngoài ra, một cấu trúc não gọi là hồi hải mã (hippocampus) được thúc đẩy hoạt động trong quá trình tập thể dục. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hồi hải mã nắm một vai trò quan trọng đối với khả năng tư duy lý luận và ghi nhớ của con người. Ngoại trừ công dụng thúc đẩy nhận thức ngắn hạn, tập thể dục đều đặn thực sự làm chậm quá trình co lại theo độ tuổi của hồi hải mã.
Một lợi ích khác của tập thể dục là giúp giảm căng thẳng. Căng thẳng là một trở ngại rất lớn trong việc tập trung và hình thành trí nhớ (nhờ hormone cortisol), và thật không may, đại học là một môi trường cực kỳ căng thẳng. May mắn thay, tập thể dục là một cách dễ dàng và đơn giản để làm giảm căng thẳng trong cuộc sống, đảm bảo bạn có thể tập trung trong lớp học.
Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh khuyến nghị tập thể dục 150 phút mỗi tuần để tối đa hóa lợi ích của nó. Thay đổi những thói quen nhỏ như đi bộ hay đạp xe đến trường học hoặc cơ quan là một cách dễ dàng để tập thể dục trong vòng vài phút. Hãy tập một bài tập cardio vừa phải trong vòng 20 phút trước khi học để cảm nhận được lợi ích ngay lập tức của việc này.

  • Học trước khi đi ngủ

Một nghiên cứu được công bố bởi các nhà nghiên cứu từ Notre Dame và Harvard cho thấy các đối tượng nghiên cứu có xu hướng nhớ các cặp từ không liên quan đến nhau tốt hơn nếu họ học chúng vào một khoảng thời gian ngắn trước khi đi ngủ, thay vì vào buổi sáng trước 12 tiếng sau khi thức dậy.
Từ lâu, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng giấc ngủ giúp ổn định những ký ức hình thành trong suốt cả một ngày. Có vẻ như việc tỉnh táo sẽ làm điều ngược lại – tạo ra sự gián đoạn trong ký ức và khiến chúng ta quên đi những kiến thức đã được học.
Điều này minh chứng rằng: Ta tốt nhất không nên trở thành cú đêm. Hãy ngủ đủ 7-8 tiếng và dành ra một khoảng thời gian học trước khi đi ngủ.

  • Hãy chia nhỏ giờ học để tập trung tốt hơn

Bạn có thể là người muốn ngồi học hàng giờ liền. Không có gì sai khi học tập thường xuyên, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn có một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi trong khi học tập.
Nghiên cứu cho thấy rằng khi con người cố gắng tập trung vào một việc trong thời gian dài, tâm trí họ sẽ bắt đầu nghĩ vẩn vơ. Giống như khi bạn nghe thấy cùng một âm thanh lặp đi lặp lại – Bạn trở nên quen thuộc với nó và nó dần trở thành tạp âm. Khi bạn tập trung vào một việc gì đó quá lâu, về bản chất, bạn chỉ đang duy trì cường độ làm việc mà không thực sự nghĩ về những gì bạn đang làm.
Việc nghỉ giải lao trong một khoảng thời gian ngắn sẽ giúp bạn lấy lại sự tập trung và học tập hiệu quả hơn.
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề về sự tập trung hoặc đơn giản muốn tận dụng tối đa các buổi học, hãy thử làm điều này:
Đặt đồng hồ hẹn giờ với khoảng thời gian bạn nghĩ là bạn có thể tập trung (bạn có thể sử dụng đồng hồ bấm giờ để đo thời gian từ khi bạn bắt đầu học cho đến khi bạn nhận thấy mình bị phân tâm), sau đó, khi hết thời gian hãy nghỉ ngơi 5 phút để làm công việc khác, chẳng hạn như uống cà phê hoặc giặt giũ quần áo trước khi trở lại bàn học.
Không phải tất cả các phương pháp học tập trên đây đều sẽ hiệu quả với tất cả mọi người. Nhưng cũng đáng để thử những phương pháp này xem liệu chúng có đem lại cho bạn dù là lợi ích nhỏ nhất hay không. Thời gian vô cùng quý giá – vậy tại sao bạn cứ mãi học theo một phương pháp vốn chẳng giúp ích gì được cho bản thân?